Thời Đường Vương_Dung

Liên kết với Lữ Long quân

Thời điểm đó, Đại Đường đã rơi vào tình trạng rối loạn, các tiết độ sứ tiến công và chiếm đất của nhau. Một trong số các tiết độ sứ hùng mạnh nhất khi đó là Hà Đông[chú 3] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng. Láng giềng của Vương Dung là Nghĩa Vũ[chú 4] tiết độ sứ Vương Xử Tồn liên kết với Vương Khắc Dụng. Cả Vương Dung và Lữ Long[chú 5] tiết độ sứ Lý Khả Cử đều lo sợ trước sức mạnh ngày càng tăng của Lý Khắc Dụng và do đó khinh miệt Vương Xử Tồn trước việc ông ta liên kết với Lý Khắc Dụng. Do đó, Thành Đức quân và Lư Long quân đã liên minh chống lại Vương Xử Tồn, dự tính sẽ tiêu diệt Vương Xử Tồn và chia hai châu Định và Dịch của Nghĩa Vũ quân. Sau khi thuyết phục Đại Đồng[chú 6] tiết độ sứ Hách Liên Đạc tiến công Lý Khắc Dụng để Lý Khắc Dụng không thể đem quân đến cứu viện Vương Xử Tồn, họ phát động tiến công vào năm 885, thuộc cấp của Lý Khả Cử là Lý Toàn Trung tiến công Dịch châu còn quân của Vương Dung tiến công Vô Cực[chú 7]. Sau đó, khi Lý Khắc Dụng phái Khang Quân Lập đi cứu viện Vương Xử Tồn, Vương Dung đã triệt thoái, còn Lý Toàn Trung sau khi chiếm được Dịch châu thì lại để mất khi Vương Xử Tồn phản công. Lý Toàn Trung do lo sợ sẽ bị Lý Khả Cử trừng phạt nên đã đưa quân tiến công thủ phủ U châu của Lư Long quân. Lý Khả Cử thấy tình thế vô vọng nên đã tự sát, Lý Toàn Trung chiếm được Lư Long quân.[7]

Sau đó, cả Vương Dung và người kế nhiệm Lý Toàn Trung là Lý Khuông Uy vẫn là địch thủ của Lý Khắc Dụng, và đến năm 890, khi Đường Chiêu Tông tuyên bố tổng tiến công chống Lý Khắc Dụng dưới quyền thống soái của Trương Tuấn, Vương Dung được phong là đông diện chiêu thảo sứ còn Lý Kuông Uy là bắc diện chiêu thảo sứ. Tuy nhiên, Vương Dung cũng như Ngụy Bác[chú 8] tiết độ sứ La Hoằng Tín thì xem Hà Đông quân là đối trọng với triều đình nên từ chối đóng góp binh sĩ và hậu cần cho chiến tranh, góp phần khiến cho Trương Tuấn chiến bại trước Lý Khắc Dụng.[8]

Năm 891, sau khi đánh bại quân triều đình, Lý Khắc Dụng quyết định tiến công Thành Đức quân, thoạt đầu chiếm được ưu thế. Lý Khuông Uy đem quân đến cứu viện Vương Dung, Lý Khắc Dụng cho quân triệt thoái.[8] Khi Lý Khuông Uy và Vương Dung hợp binh tiến công Nghiêu Sơn[chú 9] do Hà Đông quân kiểm soát vào mùa xuân năm 892, họ đã chiến bại trước thuộc hạ của Lý Khắc Dụng là Lý Tự Huân (李嗣勳). Sau đó, Lý Khắc Dụng và Vương Xử Tồn cùng hợp binh tiến công Vương Dung, thoạt đầu họ giành được thắng lợi, song sau đó Vương Dung đã đẩy lui liên quân này. Sau đó, Đường Chiêu Tông phái sứ giả đến để hoà giải tranh chấp giữa bốn quân, song không có kết quả.[9]

Tuy nhiên, trận chiến Nghiêu Sơn đã giúp Vương Dung có thêm sự ủng hộ trong một thời gian ngắn, do trước khi phái Lý Tự Huân, Lý Khắc Dụng đã lệnh cho hai con nuôi là Hình-Minh-Từ châu lưu hậu Lý Tồn HiếuLý Tồn Tín đi giải vây Nghiêu Sơn. Tuy nhiên, do Lý Tồn Hiếu và Lý Tồn Tín lại tranh chấp với nhau nhằm được Lý Khắc Dụng sủng ái, họ không hiệp đồng tốt và không tiến quân, buộc Lý Khắc Dụng phái cử Lý Tự Huân đi thay. Lý Tồn Tín sau đó đã cáo buộc Lý Tồn Hiếu bí mật liên lạc với Vương Dung và Tuyên Vũ[chú 10] tiết độ sứ Chu Toàn Trung. Lý Tồn Hiếu tức giận trước cáo buộc của Lý Tồn Tín nên đã ly khai Lý Khắc Dụng và liên minh với Vương Dung và Chu Toàn Trung. Sau đó, khi Lý Khắc Dụng tiến công Lý Tồn Hiếu vào mùa xuân năm 893, Vương Dung đã đến cứu viện Lý Tồn Hiếu, song sau đó quân của ông chiến bại. Đến khi Lý Khắc Dụng tiến công thủ phủ Trấn châu của Thành Đức quân, Lý Tồn Hiếu đã đến cứu viện Vương Dung, song Lý Khắc Dụng vẫn tiếp tục tiến công. (Vương Dung cũng cầu viện Chu Toàn Trung, song Chu Toàn Trung khi đó đang tiến hành chiến dịch chống lại Cảm Hóa[chú 11] tiết độ sứ Thì Phổ và không thể đến cứu viện.) Đến khi Lý Khuông Uy kéo quân từ Lữ Long đến, Lý Khắc Dụng mới triệt thoái.[9]

Tuy nhiên, trong khi Lý Khuông Uy không có mặt tại Lữ Long, Lý Khuông Trù đã phát động binh biến tại U châu và đoạt lấy quyền kiểm soát Lư Long quân. Khi hay tin về cuộc binh biến, hầu hết quân sĩ đã bỏ rơi Lý Khuông Uy và chạy về U châu. Lý Khuông Uy ban đầu thượng biểu cho Đường Chiêu Tông để được đến Trường An phụng sự, tuy nhiên Vương Dung do biết ơn nên đã nghênh đón Lý Khuông Uy trở về Trấn châu, xây phủ đệ cho Lý Khuông Uy và tôn vinh Lý Khuông Uy là cha.[9]

Lý Khuông Uy đã giúp Vương Dung củng cố thành trì và huấn luyện binh sĩ. Tuy nhiên, Lý Khuông Uy lại có ý đồ muốn đoạt lấy Thành Đức quân nên vào năm 893, trong ngày giỗ phụ mẫu của Lý Khuông Uy, khi Vương Dung đang ở trong phủ đệ của Lý Khuông Uy để dự lễ, Lý Khuông Uy đã lệnh cho binh sĩ cố gắng bắt giữ Vương Dung. Vương Dung đã phản ứng một cách nhanh chóng, tuyên bố rằng mình sẵn sàng chuyển giao quyền kiểm soát quân cho Lý Khuông Uy song nên làm điều này một cách cách chính thức trong công cộng phủ. Lý Khuông Uy chấp thuận, và họ cùng cưỡi ngựa nhập phủ, các binh sĩ của Lý Khuông Uy hộ tống. Trên đường, một trong các binh sĩ Thành Đức là Mặc Quân Hòa (墨君和) đã ẩn trong một góc rồi tóm lấy Vương Dung và đưa ông ra khỏi đội quân của Lý Khuông Uy. Các đội quân còn lại của Thành Đức nhận thấy Vương Dung đã ra khỏi cảnh hiểm nguy nên đã tiến công và đồ sát Lý Khuông Uy cùng quân lính của người này, Vương Dung đoạt lại Thành Đức. (Tuy nhiên, điều này đã chấm dứt liên minh giữa Thành Đức và Lữ Long, do Lý Khuông Trù tuyên bố rằng sẽ báo thù cho cái chết của Lý Khuông Uy, rồi sau đó tiến công Thành Đức song không thành công.)[9]

Cai trị độc lập

Gần như ngay lập tức sau khi Lý Khuông Uy chết, Vương Dung lại cố gắng cứu viện Lý Tồn Hiến- đang bị Lý Khắc Dụng bao vây tại Hình châu (邢州). Tuy nhiên, Vương Dung đã bị Lý Khắc Dụng đánh bại, và trong lo sợ, Vương Dung quay sang hợp binh với Lý Khắc Dụng tiến công Lý Tồn Hiếu và cho đưa lương thực đến cho quân của Lý Khắc Dụng. Năm 894, Lý Tồn Hiếu buộc phải đầu hàng, Lý Khắc Dụng giành lại Hình-Minh-Từ châu.[9]

Năm 895, Đường Chiêu Tông ban cho Vương Dung chức vụ mang tính danh dự là Thị trung.[10]

Năm 897, cuộc tiến công của Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh đã buộc Đường Chiêu Tông phải chạy khỏi kinh thành Trường An để đến Khuông Quốc[chú 12] do Hàn Kiến cai quản, Lý Khắc Dụng muốn bắt đầu một chiến dịch nhằm cần vương nên đã viết thư cho Vương Dung và người kế nhiệm Vương Xử Tồn là Vương Cáo để thỉnh cầu họ đóng góp, song không có ghi chép về phản ứng của Vương Dung. Lý Khắc Dụng sau đó buộc phải từ bỏ chiến dịch khi Lữ Long tiết độ sứ Lưu Nhân Cung ly khai và cai quản độc lập. Sau đó, vào năm 898, khi Lý Khắc Dụng xem xét hòa bình với Chu Toàn Trung, ông ta đã viết thư cho Vương Dung và nhờ Vương Dung làm trung gian giữa hai bên, song Chu Toàn Trung sau đó đã cự tuyệt lời đề nghị của Lý Khắc Dụng. Cũng trong năm đó, Đường Chiêu Tông ban cho Vương Dung chức vụ danh dự là Trung thư lệnh.[11]

Năm 900, khi Chu Toàn Trung phái bộ tướng Cát Tòng Chu đi đánh Nghĩa Xương[chú 13] do Lưu Thủ Văn cai quản, Cát Tòng Chu thoạt đầu giành chiến thắng trước Lưu Thủ Văn, song sau khi Vương Dung phái sứ giả đến hòa giải và Cát Tòng Chu gặp phải các trận mưa lớn, Chu Toàn Trung đã triệu hồi Cát Tòng Chu và quân sĩ.[12]

Tuy nhiên, Chu Toàn Trung sau đó đã quyết định tiến công Vương Dung vì Vương Dung giao thiệp với Lý Khắc Dụng. Chu Toàn Trung tiếp cận và tiến công Trấn châu, phóng hỏa đốt nam môn. Vương Dung lo sợ, khiển Chu Thức (周式) đi cầu xin Chu Toàn Trung, nói rằng Vương Dung đánh cuộc với Lý Khắc Dụng để có được hòa bình và rằng người dân Thành Đức đã trung thành với gia tộc họ Vương trong nhiều đời và sẽ chiến đấu hết mình vì Vương Dung. Chu Toàn Trung chấp thuận hòa bình, song buộc Vương Dung phải cử trưởng tử là Vương Chiêu Tộ (王昭祚) và con của nhiều quan lại Thành Đức đến Tuyên Vũ làm con tin; Vương Dung cũng bị buộc phải dâng một lượng lớn lụa. Chu Toàn Trung sau đó triệt thoái, gả một nữ nhi của mình cho Vương Chiêu Tộ. Từ đó, Vương Dung trở thành một chư hầu của Chu Toàn Trung.[12]

Quy phục Chu Toàn Trung

Sau khi Vương Dung chấp thuận trở thành chư hầu của Chu Toàn Trung, Thành Đức phán quan Trương Trạch (張澤) đã chỉ ra rằng Nghĩa Vũ và Lữ Long vẫn còn liên hệ với Hà Đông, và rằng Thành Đức nên tiếp tục suy tính về việc sẽ bị các quân này hợp binh tiến đánh. Trương Trạch đề xuất rằng Vương Dung hãy thuyết phục Chu Toàn Trung công chiếm Nghĩa Vũ và Lữ Long. Vương Dung sau đó đã lệnh cho Chu Thức đệ trình đề xuất này cho Chu Toàn Trung, Chu Toàn Trung phái bộ tướng là Trương Tồn Kính (張存敬) tiến về phía bắc đánh Lữ Long và Nghĩa Xương trước, chiếm được Doanh châu (瀛州), Cảnh châu (景州), và Mạc châu (莫州). Tuy nhiên, sau khi sau khi không thể tiến đánh U châu vì gặp phải ngập lụt, Trương Tồn Kính đã tiến về phía tây đánh Nghĩa Vũ, Vương Cáo chiến bại và phải chạy trốn. Dư bộ của Nghĩa Vũ ủng hộ Vương Xử Trực trở thành người kế nhiệm Vương Cáo, và sau đó Vương Xử Trực đã thuyết phục Chu Toàn Trung triệt thoái khi chấp thuận quy phục.[12]

Năm 903, sau khi Thôi Dận và Chu Toàn Trung hợp lực đồ sát các hoạn quan tại Trường An, Vương Dung nhận được chiếu chỉ phải tuyển 50 hoạn giả tại Thành Đức và đưa đến Trường An làm nô bộc, lý do là vì người Thành Đức được đánh giá thâm hậu và có tính cẩn trọng, thật thà.[13]

Sau khi buộc Đường Chiêu Tông phải dời đô từ Trường An đến Lạc Dương, rồi ám sát Đường Chiêu Tông,[14][15] Chu Toàn Trung đã buộc Đường Ai Đế phải thiện nhượng cho mình vào năm 907, khởi đầu nhà Hậu Lương và trở thành Hậu Lương Thái Tổ.[16] Vương Dung đã công nhận Chu Toàn Trung là Thiên tử[3], trong khi Thành Đức được đổi tên thành Vũ Thuận (武順) do húy kỵ cha của Chu Toàn Trung là Chu Thành (朱誠).[15].